Ngày 13/4, hơn 100 sinh viên Đại học Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội (QGHN) đã được giao lưu cùng 4 diễn giả – doanh nhân gồm: ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT; ông Hoàng Tùng – Sáng lập, CEO Pizza Home; bà Bùi Nguyệt Anh – Sáng lập, CEO Fingerprint Asia Việt Nam; và ông Nguyễn Thanh Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển Kinh doanh Brainmark.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề “Hành trang hội nhập” của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016.
Sinh viên Việt Nam có mất lợi thế trên sân nhà?
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ hội nhập ngày càng sâu và rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, giới trẻ nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng đứng trước một “cuộc chiến” là bài toán nhân sự: Làm sao để vừa không mất vừa tận dụng được lợi thế “sân nhà” khi một lực lượng lao động lớn của không chỉ các quốc gia trong khu vực mà trên toàn thế giới có thể tự do “xâm nhập” thị trường lao động Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Ngô Vi Đồng cho biết, các DN sẽ ưu tiên chọn lựa những ứng viên vừa có kỹ năng chuyên môn vừa có những kỹ năng mềm và hiểu biết về xã hội. “Nếu cả hai ứng viên đều có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn tương đương nhau, DN sẽ chọn người có những kỹ năng khác như cách giao tiếp, ngoại ngữ, cách làm việc nhóm….”.
Ông Đồng khẳng định, chuyện cạnh tranh trong thị trường nhân sự hay giữa các doanh nghiệp là điều tất yếu, do đó các sinh viên cần chuẩn bị kiến thức, kỹ năng ngay từ bây giờ để có đủ năng lực tham gia vào “cuộc chơi” một cách công bằng, minh bạch và tự tin.
Bên cạnh đó, ông Đồng cũng cho rằng sinh viên cần ý thức được giá trị của mình sau khi ra trường, thể hiện bằng thái độ khi ứng tuyển tìm việc làm. “Sau 4-5 năm đại học, các bạn phải biết mình đã học được gì, có thể đóng góp gì cho DN, xã hội. Vì thế, các bạn không phải đi xin việc mà là cần cảm thấy mình xứng đáng để làm việc với vị trí đó”.
Bổ sung thêm, bà Bùi Nguyệt Anh cho rằng điểm yếu của sinh viên Việt Nam là thiếu sự tự tin, gặp nhiều rào cản về văn hóa và ngôn ngữ khiến lao động Việt giảm năng lực cạnh tranh so với lao động quốc tế. Bà tư vấn các bạn sinh viên cần nghiêm túc đặt những câu hỏi như: “Vì sao tôi chọn ngành học này?”, “Tôi sẽ đóng góp gì cho xã hội?”, từ đó có định hướng về nghề nghiệp cũng như biết mình cần bổ sung kiến thức và kỹ năng gì. Như vậy mới có thể tự tin hơn ngay trên sân nhà hay khi tham gia vào thị trường nhân sự quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Tân nhận định: “Sinh viên Việt Nam còn thiếu tự tin vì còn chưa giỏi ngoại ngữ, chưa biết cách giao tiếp, những kỹ năng cơ bản như cách làm hồ sơ xin việc, viết email hay soạn thảo văn bản sao cho đúng chuẩn cũng còn thiếu. Các bạn cần nhận ra những điểm yếu này và cố gắng khắc phục để có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế”.
Cần làm gì để giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp?
Trước phong trào khởi sự kinh doanh sôi động hiện nay, sinh viên kinh tế không “đứng ngoài cuộc”, nhưng cũng rất băn khoăn làm thế nào để tìm được “đồng đội” khi xây dựng công ty, cần chuẩn bị gì để có thể tránh thất bại khi khi khởi nghiệp…
Ông Hoàng Tùng đã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp: “Không có một công thức khởi nghiệp thành công cụ thể. Có người làm thuê trước rồi mới làm chủ, nhưng cũng có người thành công ngay khi khởi nghiệp lần đầu tiên. Tuy nhiên, các bạn cần trả lời được câu hỏi ý tưởng kinh doanh của bạn có mang lại ý nghĩa thiết thực gì cho xã hội, cho cộng đồng hay không rồi mới bắt tay vào làm”.
Nhà sáng lập Pizza Home cũng cho biết việc xác định được lý do và mục đích khởi nghiệp sẽ giúp các bạn tìm được partner (những người cùng làm dự án khởi nghiệp) cùng đam mê, nhiệt huyết để thực hiện dự án.
Thất bại là một nguy cơ luôn hiện hữu trong quá trình khởi sự kinh doanh, nhưng theo bà Nguyệt Anh, nếu đã có một ý tưởng, một đam mê và một quyết tâm, các sinh viên cứ mạnh dạn bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình, bởi “có những bài học chỉ có thể nhận ra từ thất bại”.
Ông Hoàng Tùng cho rằng các sinh viên có thể giảm thiểu thất bại bằng cách học tập, đọc sách hay tìm người tư vấn. Các diễn giả cũng khuyên sinh viên nên tăng cường kiến thức bằng cách tận dụng tối đa thời gian học trên giảng đường, tự học thêm ở sách vở, trên internet và đặc biệt cacó một thái độ tích cực khi học tập, làm việc và kinh doanh.
“Khi có một thái độ tích cực, trên thương trường từ cạnh tranh khốc liệt cũng có thể trở thành hợp tác”, bà Nguyệt Anh chia sẻ.
Chia sẻ thêm với sinh viên về kinh nghiệm tìm nhà tư vấn (mentor), ông Nguyễn Thanh Tân cho biết, các mentor chính là giảng viên, bạn bè hay những chuyên gia về kiến thức và có trải nghiệm trong từng lĩnh vực. Các sinh viên chưa tìm được mentor do chưa mạnh dạn, chủ động tạo lập, xây dựng và bảo vệ các mối quan hệ.
Trước băn khoăn của sinh viên về việc tìm kiếm kiến thức ở đâu, đọc sách gì, ông Tân tư vấn: “Có 3 loại sách cần đọc là sách chuyên ngành; sách nâng cao kiến thức xã hội, địa lý, lịch sử; và sách nuôi dưỡng tâm hồn”. Ông Tân cũng nhấn mạnh, việc lướt web đọc thông tin không thể thay thế được việc đọc sách.
Cuối cùng, ông Ngô Vi Đồng đúc kết 5 điều sinh viên cần làm để có thể tự tin hội nhập:
– Học tập nghiêm túc trong nhà trường, mở rộng kiến thức vĩ mô cũng như các vấn đề quan hệ quốc tế, trang bị kỹ năng ngoại ngữ.
– Trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, để đưa vào ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh, làm thương mại điện tử.
– Trang bị những kỹ năng mềm: giao tiếp, làm việc nhóm, chọn partner, kỹ năng trình bày (thể hiện và vận dụng trí tuệ, công nghệ, bản lĩnh), quản lý thời gian… Đặc biệt, là kỹ năng quản lý thời gian để giúp các bạn sinh viên không sa đà vào mạng xã hội, giải trí mà làm việc thiếu hiệu quả, giảm năng suất.
– Tham gia vào công tác xã hội để biết chia sẻ năng lực và của cải với xã hội.
– Biết cách cân bằng cuộc sống để khỏe về thể chất, tinh thần, xây dựng hành trang vào đời mạnh mẽ, hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc.
Ông cho rằng, khi cảm thấy bản thân thiếu kỹ năng gì thì cần phải bổ sung ngay từ bây giờ, ngay từ khi còn là sinh viên để chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất.